Một loại rau nổi tiếng xứ Đà Lạt nhưng gây "sốt" chợ mạng nhiều nơi
Lá é là rau có gia vị đặc trưng của các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, đặc biệt là vùng đất Phú Yên. Người dân nơi đây sử dụng lá é chế biến nhiều món ăn, phổ biến là giã nhuyễn để làm muối ăn với cơm nóng, hay làm thức chấm cho các món hải sản, thịt nướng.
Lá é còn có nhiều tên gọi khác như lá húng quế lông, lá hương thảo, trà tiên,…Tuy trùng tên, nhưng lá không phải là húng quế, mà là "họ hàng". Tuy nhiên về hương vị thì 2 loại lá này khá giống nhau, về hình dạng cũng thế.
Lá é mọc nhiều ở các tỉnh miền Trung. Lá é có vị cay cay the như tinh dầu, ăn vào ấm bụng, mùi thơm dìu dịu rất dễ chịu. Không chỉ là gia vị phổ biến trong nấu ăn, lá é còn được dùng rất nhiều trong các công thức bào chế thuốc trong Đông y.
Hiện nay, địa phương được xem là thánh địa của món ăn này là Đà Lạt (Lâm Đồng). Món ăn được người dân địa phương chế biến kết hợp đầy đủ các vị: ngọt, bùi, thơm, cay.
Lẩu gà lá é hay còn gọi là gà nấu lá é là món ngon đãi tiệc được nhiều người yêu thích. Mùi và hương vị đặc trưng của lá é, khi kết hợp với thịt gà và ớt xiêm xanh sẽ tạo ra một món lẩu thơm ngon, hấp dẫn. Lẩu gà lá é có cách nấu và hương vị khá giống với món lẩu lá giang. Đây là món ăn ngon nổi tiếng của Đà Lạt – xứ sở của núi rừng lãng mạn. Vị nước dùng chua chua cay cay, ăn một lần là hoài thương nhớ.
Cách nấu lẩu gà lá é của dịch vụ đặt tiệc tại nhà
Hướng dẫn làm lẩu gà lá é cho 4 người
Gà 1 con (1.5kg); Lá é 100 gr; Măng chua 300 gr; Nước mắm 2 muỗng canh; Chanh 1 trái; Tỏi 3 tép; Hành tím 3 củ; Ớt hiểm 2 trái; Dầu ăn 2 muỗng canh; Gia vị thông dụng 1 ít (đường/ muối/ bột ngọt/ hạt nêm/ tiêu xay)
Sơ chế các nguyên liệu
- Lá é mua về bỏ gốc già cứng, bạn nhặt lấy phần lá non xanh tươi, nhặt bỏ những lá già héo, dập rách. Rửa lá é qua nhiều lần nước cho sạch rồi cho ra rổ để ráo.
- Măng chua đã được muối chua sẵn, khi mua về bạn xả sơ măng qua nước lạnh cho sạch bụi bẩn rồi cắt miếng nhỏ vừa ăn cho ra đĩa.
- Để khử mùi hôi bạn dùng muối và chanh chà xát lên mình gà, sau đó rửa sạch lại với nước lạnh. Dùng dao chặt gà thành miếng nhỏ vừa ăn.
Giã lá é
Lá é sau khi đã rửa sạch để ráo, bạn cho vào cối 1/2 chỗ lá é cùng 3 tép tỏi, 3 củ hành tím, 2 trái ớt hiểm. Phần lá é còn lại khi nào bạn nấu lẩu ăn tới đâu bỏ vào tới đó để tạo mùi thơm ngon hơn. Dùng chày giã cho lá é và hành tỏi nát nhuyễn, trộn lẫn vào nhau.
Ướp gà cùng lá é
- Gà sau khi đã sơ chế sạch, bạn đem cho thịt gà vào nồi to cùng lá é và hành tỏi giã nhuyễn.
- Trộn đều cho lá é áo đều lên thịt gà, nêm thêm 1 muỗng cà phê muối, 1 muỗng canh hạt nêm, 1 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng canh đường, 1 ít tiêu xay.
- Đảo đều cho các nguyên liệu trộn lẫn vào nhau và áo đều lên toàn bộ phần thịt gà, ướp gà trong ít nhất 30 phút cho thịt gà thấm đều gia vị.
Nấu lẩu gà lá é
- Bắc nồi lên bếp mở lửa lớn và làm nóng 2 muỗng canh dầu ăn. Khi dầu đã sôi nóng, bạn cho thịt gà đã được ướp thấm gia vị vào xào nhanh tay.
- Thấy thịt gà đã săn lại, bạn đổ vào nồi 2 lít nước, nêm vào nước dùng 1 muỗng canh nước mắm, 1 muỗng canh đường, 1 muỗng cà phê bột ngọt, 1 muỗng cà phê hạt nêm. Khuấy đều cho gia vị hoà tan vào nước.
- Đun nồi trên lửa lớn cho tới khi nước dùng sôi lên thì bạn hạ lửa vừa, nấu khoảng 20 phút cho thịt gà chín mềm. Trong quá trình nấu nếu thấy canh nổi váng bọt thì bạn dùng vá hớt bỏ nhé.
- Sau 20 phút, thấy thịt gà đã chín mềm, thấm vị, nước lẩu đã rút bớt thì bạn nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn rồi tắt bếp.
Thành phẩm
Lẩu gà lá é chuẩn vị thơm ngon đã được hoàn thành ngay tại gian bếp nhà bạn. Khi ăn, bạn bắc nồi lên cho nóng sôi, thả măng và lá é tươi vào đợi thêm 2 phút là có thể thưởng thức ngay rồi. Bạn có thể dùng lẩu gà lá é cùng bún tươi cực kì thơm ngon hấp dẫn, thích hợp cho dịp cuối tuần quây quần bên gia đình.